2022-09-20 18:07
Việc xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc là cơ hội để phát triển ngành hàng sầu riêng Việt Nam theo hướng hiện đại, chất lượng, an toàn, bền vững, nâng tầm giá trị thương hiệu sầu riêng Việt Nam.
Doanh nghiệp thu mua sầu riêng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang Trung Quốc. (Ảnh: Anh Dũng/TTXVN)
Sự kiện xuất khẩu chính ngạch sầu riêng đầu tiên được tổ chức tại Đắk Lắk mới đây là niềm tự hào không chỉ của người trồng sầu riêng Đắk Lắk mà còn là niềm vui chung của người dân vùng Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.
Đây là một sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng bởi Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất trên thế giới hiện nay.
Hơn nữa, xuất khẩu chính ngạch trái sầu riêng sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tiếp cận thị trường rộng lớn, đồng thời giúp doanh nghiệp và nông dân thu được lợi nhuận cao hơn từ loại quả đặc sản này. Tuy nhiên, còn nhiều việc phải làm để “hương sầu riêng” thực sự bay xa.
Những tín hiệu vui
Ông Đoàn Thanh Hải, xã Ea Yông, huyện Krông Pắc có vườn sầu riêng khoảng 1ha, sản lượng năm nay ước đạt khoảng 20 tấn.
Với giá bán tại vườn thời điểm này khoảng 80.000 đồng/kg sẽ đem về cho ông Hải khoảng 1,6 tỷ đồng trong vụ sầu riêng năm 2022. Nhẩm tính, sau khi trừ mọi chi phí đầu tư, gia đình ông cũng thu về cả tỷ đồng – đây là mức thu nhập đáng mơ ước của những người làm nông nghiệp.
Ông Hải chia sẻ những năm gần đây, vườn sầu riêng đã được gia đình canh tác hoàn toàn theo hướng hữu cơ, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật.
Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham quan vùng trồng sầu riêng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang Trung Quốc. (Ảnh: Anh Dũng/TTXVN)
Từng giai đoạn phát triển của cây đều được ghi chép nhật ký đầy đủ. Tất cả phân bón, thuốc bảo vệ thực vật dùng để chăm bón vườn cây được ông ủ từ các nguyên liệu tự nhiên như tỏi, ớt, chuối, dứa…
Khi sản phẩm sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch đi Trung Quốc, ông Hải cũng như nhiều nông hộ trồng sầu riêng tại huyện Krông Pắc rất phấn khởi. “Bà con nông dân trông chờ vào thời điểm này nhiều năm nay. Giá sầu riêng tăng vọt thu nhập của bà con cũng tốt hơn, hy vọng việc xuất khẩu chính ngạch sẽ giúp giá cả sẽ tăng lên trong các vụ tới,” ông Hải cho hay.
[Xuất khẩu sầu riêng đi Trung Quốc: Cửa đã mở nhưng vẫn phải tính xa]
Còn với ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã Cây ăn trái Krông Pắc, việc xuất khẩu những trái sầu riêng tươi chính ngạch đầu tiên sang Trung Quốc là điều ông vui hơn cả Tết. Bởi chính ông là một trong những nông dân đầu tiên ở “thủ phủ” sầu riêng Dona “đi tắt đón đầu” đứng ra vận động thành lập hợp tác xã để liên kết nông dân trồng sầu riêng; đồng thời hướng dẫn các xã viên thực hiện việc sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP; thu thập thông tin, mã hóa thông tin vườn cây để làm truy xuất nguồn gốc cho trái sầu riêng.
Thành quả của ngày hôm nay là trong số 23 mã vùng trồng của huyện Krông Pắc được cấp để xuất khẩu chính ngạch thì có đến 16 mã của hợp tác xã quản lý, với hơn 1.000ha. Hiệu ứng của việc xuất khẩu chính ngạch là giá sầu riêng mà các doanh nghiệp, thương lái mua của bà con đã tăng vọt so với mùa vụ năm ngoái.
Việc đàm phán để xuất khẩu sầu riêng tươi sang thị trường Trung Quốc mới chỉ là thành công bước đầu. Để hương sầu riêng Đắk Lắk nói riêng và của Việt Nam nói chung bay xa, để tất cả cùng thắng thì còn rất nhiều việc phải làm.
Theo ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã Cây ăn trái Krông Pắc, điều quan trọng trước mắt là làm sao phải giữ được diện tích đã được cấp mã số vùng trồng đã có và tiếp tục mở rộng diện tích được cấp mã vùng trồng mới. Nếu không quản lý tốt mã vùng trồng, để doanh nghiệp lợi dụng, làm ăn “chụp giật” xuất khẩu quá số lượng cho phép, hay mang hàng từ nơi khác trộn vào thì rất dễ bị đổ bể, bị xóa mã số vùng trồng nếu phía nước bạn tiến hành hậu kiểm.
Thực tế, vừa rồi đã có doanh nghiệp “ăn cắp” mã vùng trồng (mã 71) của hợp tác xã để xuất khẩu. Mã số vùng trồng là tài sản chung của bà con nông dân, xã viên hợp tác xã. “Vì vậy, ngoài sự nỗ lực sản xuất theo tiêu chuẩn của bà con xã viên hợp tác xã thì các cơ quan chức năng cần phải làm quyết liệt kiểm soát vấn đề này, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu phải làm ăn có tâm,” ông Tuấn trăn trở.
Siết chặt hậu kiểm
Đến nay, diện tích sầu riêng của tỉnh Đắk Lắk trên 15.000ha, là tỉnh có diện tích sầu riêng lớn thứ 2 của cả nước sau tỉnh Tiền Giang, ước sản lượng thu hoạch năm 2022 là 170.000 tấn và ước sản lượng đến năm 2025 là trên 300.000 tấn.
Chuyến hàng sầu riêng đầu tiên của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. (Ảnh: Anh Dũng/TTXVN)
Sau khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổng cục Hải quan Trung Quốc chính thức ký kết Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc; Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo, phân