Việt Nam xuất siêu 710 triệu USD trong 6 tháng đầu năm 2022

2022-06-29 22:00

(LSVN) – Tổng cục Thống kê vừa công bố sáng 29/6, trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 371,17 tỉ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, xuất khẩu tăng 17,3%; nhập khẩu tăng 15,5%. Cán cân thương mại hàng hóa 6 tháng đầu năm ước tính xuất siêu 710 triệu USD.

2322_1
Trong 6 tháng đầu năm, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 15,97 tỉ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 16,68 tỉ USD. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 6/2022 ước đạt 32,65 tỉ USD, tăng 5,6% so với tháng trước; trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 8,83 tỉ USD, tăng 6,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 23,82 tỉ USD, tăng 5,3%. So với cùng kỳ năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 6 tăng 20%; trong đó, khu vực kinh tế trong nước tăng 14%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 22,3%.

Trong quý II/2022, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 96,8 tỉ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước và tăng 8,7% so với quý I/2022. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 185,94 tỉ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 49.26 tỉ USD, tăng 20%, chiếm 26.5% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 136.68 tỉ USD, tăng 16.3%, chiếm 73.5%. Trong 6 tháng đầu năm 2022 có 28 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, chiếm 90.6% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỉ USD, chiếm 57.8%).

Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 6/2022 ước đạt 32,37 tỉ USD, giảm 0,8% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 11,8 tỉ USD, giảm 2,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 20,57 tỉ USD, tăng 0,5%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 6 tăng 16,3%; trong đó, khu vực kinh tế trong nước tăng 17,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 15,9%. Trong quý II/2022, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 97,6 tỉ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước và tăng 11,3% so với quý I/2022.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 185,23 tỉ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 65,23 tỉ USD, tăng 15,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 120 tỉ USD, tăng 15,6%. Trong 6 tháng đầu năm 2022 có 30 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỉ USD, chiếm tỉ trọng 87% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2022, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 55,9 tỉ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 61,3 tỉ USD. Trong 6 tháng đầu năm 2022, xuất siêu sang EU ước đạt 15,5 tỉ USD, tăng 39% so với cùng kỳ năm trước; nhập siêu từ Trung Quốc 35 tỉ USD, tăng 21,7%; nhập siêu từ Hàn Quốc 21,1 tỉ USD, tăng 39.5%; nhập siêu từ ASEAN 6,5 tỉ USD, giảm 10.9%; nhập siêu từ Nhật Bản 463 triệu USD, giảm 39,9%.

Để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa trong thời gian tới, Bộ Công thương lưu ý, các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất khẩu cần áp dụng các biện pháp phòng ngừa rủi ro khi giao kết hợp đồng với khách hàng nước ngoài, cân nhắc thấu đáo trong lựa chọn các ngân hàng thanh toán trong bối cảnh cấm vận. Hơn nữa, các doanh nghiệp cần tận dụng tối đa các ưu đãi trong 15 FTA giữa Việt Nam và các nước để đa dạng hóa thị trường. Đặc biệt, Bộ Công Thương cũng chỉ đạo toàn bộ hệ thống Thương vụ tại các nước châu Âu có trách nhiệm cao nhất trong việc hỗ trợ doanh nghiệp đang có gặp khó khăn trong hoạt động xuất nhập khẩu với Nga và Ukraine để tìm cách chuyển hướng sang các thị trường phù hợp tại châu Âu.

Cùng với đó, Bộ Công thương đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp; trong đó, chú trọng triển khai hiệu quả các FTA đã có hiệu lực, các cam kết trong Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Bên cạnh đó, hướng dẫn doanh nghiệp các cơ hội của các FTA quan trọng như: FTA Việt Nam-EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)…

PV

Bài Viết Liên Quan