2023-02-01 16:51
Thời gian gần đây, ‘tại Nghệ An và Quảng Nam xuất hiện nhiều nhà máy sản xuất viên nén quy mô lớn, dây chuyền hiện đại, có vốn đầu tư từ 200–300 tỷ đồng/nhà máy. Mặc dù còn khá mới mẻ tại Việt Nam, song theo dự báo, viên nén có nhiều tiềm năng để “góp mặt” trong nhóm các mặt hàng nông lâm sản có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD…
Ngành sản xuất viên nén đang phát triển rất nhanh
Ông Nguyễn Thanh Phong, Chi hội trưởng Chi hội Viên nén gỗ thuộc Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần năng lượng sinh học Phú Tài (tỉnh Bình Định), cho biết: năm 2021 lượng viên nén xuất khẩu của Việt Nam đạt 3,5 triệu tấn với kim ngạch hơn 413 triệu USD.
Năm 2022 xuất khẩu mặt hàng này đạt gần 4,7 triệu tấn, kim ngạch hơn 700 triệu USD, tăng 35% về lượng và 81% về giá trị so với năm 2021. Hiện Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu viên nén lớn thứ hai trên thế giới. Dự báo, xuất khẩu viên nén Việt Nam sẽ đạt 1 tỷ USD vào năm 2023.
ĐẦU TƯ HIỆN ĐẠI, QUẢN TRỊ BÀI BẢN
Trước đây, tôi đã từng đến một số nhà máy xay xát gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long, thấy sản xuất viên nén từ trấu. Do sử dụng nguyên liệu chủ yếu từ phụ phẩm ngành nông, lâm nghiệp nên dây chuyền sản xuất viên nén khá thô sơ và nhỏ hẹp.
Tuy nhiên trong tháng 11/2022, khi đến tham quan một số nhà máy sản xuất viên nén tại Nghệ An và Quảng Ngãi, tôi vô cùng ngạc nhiên khi chứng kiến những dây chuyền thiết bị đồ sộ, vô cùng hiện đại. Để rồi mới hiểu, trong các sản phẩm của ngành hàng gỗ, sản xuất viên nén đòi hỏi công nghệ hiện đại nhất, thiết bị “tối tân” nhất, quản trị công phu nhất và dĩ nhiên là vốn đầu tư cũng lớn nhất.
Nhà máy sản xuất viên nén cổ phần năng lượng Dung Quất (Bình Sơn, Quảng Ngãi) rất lớn, với hai dây chuyền máy móc liên hoàn, từ các đường ống, băng chuyền, hệ thống máy nghiền, máy sấy khô, nồi hơi, máy ép viên… cao ngất và chạy dài tít tắp. Khu vực đầu vào của nhà máy là sân chứa nguyên liệu với đống dăm gỗ chất cao như núi, cùng với những cỗ máy băm dăm, nghiền dăm hoạt động suốt đêm ngày.
Ông Nguyễn Kim Vui, Giám đốc điều hành Nhà máy viên nén của Công ty cổ phần năng lượng Dung Quất, cho biết hai dây chuyền máy móc ở đây được nhập về từ Hà Lan, có vốn đầu tư 250 tỷ đồng. Công suất của nhà máy đạt 20.000 tấn sản phẩm viên nén mỗi tháng, tức 240.000 tấn/năm. Sản phẩm viên nén của nhà máy được xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc và EU.
Về nguyên liệu, ông Vui cho biết nhà máy sử dụng hai nguồn chính: phụ phẩm gỗ rừng trồng; mùn cưa, dăm bào. Mùn và dăm bào được coi là nguyên liệu tốt nhất để sản xuất viên nén, vì không mất chi phí nghiền, độ ẩm thấp nên giảm được chi phí sấy khô.
Tuy nhiên, khối lượng mùn cưa không nhiều, vì vậy, nguyên liệu chủ yếu là phụ phầm từ gỗ rừng trồng. Tất các các thị trường đòi hỏi yêu cầu khắt khe về tính hợp pháp của nguyên liệu, đặc biệt đối tác EU yêu cầu nguyên liệu sản xuất viên nén phải từ rừng trồng có chứng nhận FSC (Chứng nhận rừng bền vững quốc tế). Bởi vậy, công ty phải ký kết hợp đồng thu mua nguyên liệu từ những hộ dân, cơ sở trồng rừng đã đạt chứng nhận FSC.
Tại Nghệ An, Công ty TNHH Biomass Fuel Việt Nam, được một tập đoàn Nhật Bản đầu tư xây nhà máy sản xuất viên nén từ năm 2016, đến năm 2019 mới hoàn thành, tổng vốn đầu tư 300 tỷ đồng. Nhà máy bắt đầu vận hành vào năm 2020, công suất thiết kế đạt 160.000 tấn viên nén/năm.
Ông Eisuke Nomura, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Biomass Fuel Việt Nam, cho biết dây chuyền sản xuất viên nén được nhập về từ châu Âu, được điều hành hoàn toàn tự động. Gỗ rừng trồng được đưa vào băm thành dăm, tiếp tục băm lần nữa thành dăm nhỏ, sau đó nghiền mịn, làm lạnh đưa vào ép nén thành viên. Hệ thống 5 silo trữ sấy sản phẩm với dung tích 4.000 tấn/silo.
Về thị trường đầu ra, ông Eisuke Nomura cho hay hiện tại 100% viên nén được Công ty Biomass Fuel xuất khẩu đi Nhật Bản. Trong tương lai gần, cùng với thị trường Nhật Bản, công ty sẽ xuất khẩu sản phẩm viên nén đi EU.