Đến thời điểm hiện tại, 76 doanh nghiệp Việt Nam đã đăng ký làm việc trực tuyến với các nhà cung cấp Hàn Quốc thông qua 200 cuộc giao thương tại Tuần lễ giao thương trực tuyến Việt Nam-Hàn Quốc.
Sản xuất dây cáp điện tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dongjin Global (100% vốn Hàn Quốc) tại Khu công nghiệp Đất Đỏ I, huyện Đất Đỏ, Bà Rịa-Vũng Tàu. (Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN)
Nhằm đánh dấu sự kiện quan trọng và ý nghĩa kỷ niệm 30 năm thiêt lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hàn Quốc, từ ngày 21-25/3, Cơ quan Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc – KOTRA Hà Nội đã tổ chức Tuần lễ giao thương trực tuyến.
Sự kiện nhằm hỗ trợ kết nối giao thương trực tuyến giữa 58 nhà cung cấp đến từ các tỉnh, thành phố Daegu, Jeonju, Incheon, Gyeongbuk Hàn Quốc với 76 doanh nghiệp mua hàng Việt Nam.
Đặc biệt, toàn bộ các sản phẩm Hàn Quốc được KOTRA Hà Nội thực hiện quảng bá đến các doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng tại Việt Nam thông qua kênh online.
Bà Trần Thị Hải Yến, Trưởng Văn phòng Cơ quan Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc – KOTRA Hanoi, cho biết tuần lễ giao thương trực tuyến lần này diễn ra trong 5 ngày từ 21-25/3 với sự tham gia của 58 nhà sản xuất, cung cấp hàng hóa uy tín đến từ 4 tỉnh thành phố Hàn Quốc là Daegu, Jeonju, Incheon, Gyeongbuk. Đây là những tỉnh, thành phố lớn của Hàn Quốc hàng năm đều có các đoàn doanh nghiệp giao thương với Việt Nam.
Với thế mạnh của từng địa phương, các sản phẩm chất lượng cao của các doanh nghiệp Hàn Quốc được giới thiệu bao gồm thực phẩm-đồ uống, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm-thiết bị làm đẹp; đồ dùng cho mẹ và bé, đồ gia dụng.
Đáng lưu ý, đến thời điểm hiện tại đã có 76 doanh nghiệp Việt Nam đăng ký làm việc trực tuyến với các nhà cung cấp Hàn Quốc thông qua 200 cuộc giao thương tại sự kiện lần này.
Theo đó, các nội dung sẽ tập trung vào việc vận chuyển hàng mẫu từ Hàn Quốc về Việt Nam để thử nghiệm, các yêu cầu về chứng nhận chất lượng tiêu chuẩn Hàn Quốc và quốc tế của sản phẩm, các điều kiện làm nhà phân phối.
Đặc biệt, các phương thức hỗ trợ từ Hàn Quốc thông qua giá ưu đãi sản phẩm, phí vận tải đã được đề xuất và đi đến thống nhất trong giai đoạn còn khó khăn do dịch bệnh.
[Doanh nghiệp Hàn Quốc muốn đầu tư khu công nghiệp tại Long An]
Một số thỏa thuận tiềm năng sẽ được trao đổi chi tiết hơn trong thời gian tới. Sau các buổi giao thương trực tuyến, các doanh nghiệp hai nước vẫn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của KOTRA Hà Nội trong việc đàm phán để đi đến ký kết và thực hiện hợp đồng xuất nhập khẩu.
Theo bà Trần Thị Hải Yến, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu chuyển hướng để nhập khẩu từ thị trường Hàn Quốc. Đặc biệt, doanh nghiệp hai nước lần này rất tích cực cùng tìm ra cách thức hỗ trợ lẫn nhau.
Cụ thể như hỗ trợ thông qua giá sản phẩm, hỗ trợ chi phí vận tải, cung cấp sản phẩm mẫu miễn phí và ưu đãi với mục đích khôi phục nhanh chóng; tăng cường kim ngạch thương mại sau thời gian còn hạn chế do dịch bệnh.
Ngay từ những tháng đầu tiên của năm 2020 khi bắt đầu có dấu hiệu dịch COVID-19, Cơ quan Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc – KOTRA Hanoi đã chuyển toàn bộ các sự kiện giao thương trực tiếp (offline) giữa Đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc với doanh nghiệp Việt Nam sang hình thức trực tuyến (online) để duy trì không gián đoạn các hoạt động thương mại.
Năm 2021 đã có gần 900 doanh nghiệp Hàn Quốc với hơn 1.000 doanh nghiệp mua hàng Việt Nam thông qua 1.910 cuộc giao thương trực tuyến. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã nhanh chóng tìm được các nhà cung cấp Hàn Quốc để kết nối nhập khẩu hàng hóa. Những con số này không giảm so với những năm trước khi có dịch bệnh.
Đánh giá từ các chuyên gia, Việt Nam vẫn được đánh giá cao là thị thường tiềm năng cho các doanh nghiệp xuất khẩu Hàn Quốc. Đặc biệt, Việt Nam đã từng bước thực hiện lộ trình giảm thuế nhập khẩu từ Hàn Quốc theo Hiệp định FTA Việt Nam-Hàn Quốc với các thủ tục hành chính thuận lợi.
Hơn nữa, nền kinh tế của Việt Nam những năm qua tăng trưởng với con số tích cực, chính trị ổn định và Chính phủ kiểm soát tốt dịch bệnh là những yếu tố tạo niềm tin vững chắc để doanh nghiệp Hàn Quốc tiếp tục hướng đến thị trường Việt Nam./.