Xuất khẩu bền vững trong bối cảnh thực thi các Hiệp định Thương mại tự do

2022-09-05 16:15

(BKTO) – Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn, có quan hệ thương mại với 230 quốc gia, trong đó có Hiệp định thương mại tự do (FTA) với 60 nền kinh tế. Quá trình hội nhập đã và đang mở ra cơ hội lớn cho xuất khẩu hàng hóa Việt Nam, nhiều mặt hàng đã vươn lên chiếm lĩnh thị trường, ghi danh trên bản đồ xuất khẩu của thế giới.

???

???

FTA mở rộng đường cho hàng hóa Việt ra thế giới

Theo ông Lê Hoàng Tài – Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), các FTA đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp (DN) Việt Nam mở rộng, tiếp cận thị trường thế giới, kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, mạng lưới sản xuất toàn cầu.

Một số thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, đặc biệt là các thị trường có FTA có thể kể đến như Hoa Kỳ, Canada, Trung Quốc, EU, Trung Quốc, ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc… – ông Tài dẫn chứng.

Số liệu thống kê cho thấy, tính đến tháng 7/2022, xuất khẩu của Việt Nam sang Canada đạt 5,3 tỷ USD, tăng 20,8% so với năm trước; xuất khẩu sang Mexico đạt 4,6 tỷ USD, tăng 44,5%; xuất khẩu sang Peru đạt 560 triệu USD, tăng 84,4%. Đây đều là những nước cùng tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với Việt Nam.

Đối với thị trường các nước Hiệp định Thương mại Việt Nam – EU (EVFTA), xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU năm 2021 đạt 40,1 tỷ USD, tăng 14,2% so với năm trước. Với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA), năm 2021 xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Vương quốc Anh ghi nhận mức tăng 16,4%, đạt 5,8 tỷ USD.

Hiện nay, dịch Covid-19 đã được kiểm soát, triển vọng xuất khẩu vào những thị trường có FTA rất cao, nhất là các FTA thế hệ mới như EVFTA, CPTPP và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sẽ tiếp tục mở ra những ưu đãi về thuế quan, tạo động lực thu hút đầu tư để tăng năng lực sản xuất, giúp các DN xuất khẩu chuyên nghiệp hơn, bền vững hơn.

Theo nhận định của các chuyên gia, thời gian này, nhiều nước đang triển khai các gói kích thích kinh tế, kích cầu tiêu dùng khiến nhu cầu hàng hóa nhập khẩu gia tăng. Chính vì vậy, xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường đã có FTA trong thời gian tới được dự báo sẽ khả quan.

Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của các DN đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn, đòi hỏi DN phải có tính tự chủ cao hơn cả về nguyên vật liệu, công nghệ, sản phẩm…

Cần vượt thách thức để gia tăng giá trị, xuất khẩu bền vững

Để thúc đẩy xuất khẩu phát triển theo hướng bền vững, ông Lê Quốc Phương – chuyên gia kinh tế cho rằng, Nhà nước cần phải có cơ chế khuyến khích, đảm bảo xuất khẩu chuyển biến mạnh về chất lượng, giá trị gia tăng, tăng tỷ lệ nội địa hoá, ứng dụng công nghệ cao.

Muốn tận dụng được ưu đãi của các FTA, phải tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ, tuy nhiên, điều này đòi hỏi chi phí rất lớn. Hơn nữa, kế hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ đã có, song vẫn chưa thực hiện được nhiều.

Cùng với đó, cần phải thúc đẩy khả năng cạnh tranh của DN, làm sao để DN vươn lên ngang bằng với các DN FDI trong nhiều lĩnh vực; đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm chi phí và thời gian cho DN để DN tập trung vào sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, cần phải đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực.

Về phía các DN cần tận dụng tốt các biện pháp hỗ trợ, ưu đãi, có chiến lược phát triển sản xuất, kinh doanh phù hợp; tích cực đổi mới sáng tạo, hạ giá thành sản phẩm; ứng dụng chuyển đổi số, đổi mới công nghệ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Từ thực tiễn của ngành da giày, bà Phan Thị Thanh Xuân – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam cho rằng, các DN sản xuất không nên tập trung vào một vài thị trường mà cần đa dạng hoá thị trường xuất khẩu.

Đồng quan điểm với các chuyên gia về việc DN phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bà Xuân phân tích, hiện nay, ngành da giày mới chỉ sản xuất được các dòng sản phẩm có chất lượng ở mức trung bình của thế giới. Nếu muốn đạt giá trị gia tăng cao hơn thì các DN phải tiến tới sản xuất được sản phẩm có chất lượng cao hơn. Muốn vậy, chất lượng nguồn nhân lực, kỹ năng tay nghề của đội ngũ lao động phải được nâng lên, chứ không chỉ sử dụng nguồn lao động phổ thông.

Ngành dệt may cần một chiến lược phát triển với định hướng, mục tiêu cụ thể cần đạt được, trước mắt là cho giai đoạn 2025-2030, đó là chia sẻ của ông Vương Đức Anh – đại diện Tập đoàn Dệt may Việt Nam. Bởi với Hiệp định EVFTA, ngành dệt may hiện mới chỉ tận dụng được ưu đãi khoảng 15% trên tổng kim ngạch xuất khẩu sang EU, trong khi ngành da giày đã tận dụng được tới 90%. Còn với Hiệp định CPTPP áp dụng quy tắc từ sợi trở đi thì ngành dệt may gần như vẫn chưa tận dụng được.

Vì vậy, khuyến nghị mà các chuyên gia đưa ra là phát triển công nghiệp hỗ trợ, tăng tỷ lệ nội địa hóa, tăng tính chủ động của nguồn cung đầu vào trong nước… vẫn phải là giải pháp trọng tâm. Ông Vương Đức Anh cho biết, chúng tôi nhận thức được rằng, việc tự chủ nguồn nguyên liệu sẽ là hướng đi rất quan trọng giúp các DN ngành dệt may và các DN nói chung có thể phát triển theo hướng bền vững trong thời gian tới.

Đối với phát triển nguyên phụ liệu, bà Phan Thị Thanh Xuân nhấn mạnh, cần tập trung phát triển dòng nguyên phụ liệu hướng tới phát triển bền vững, bảo vệ môi trường xanh, sạch để bắt kịp với xu hướng của thế giới, vừa đảm bảo ổn định cho ngành sản xuất, vừa gia tăng cơ hội tiếp cận chuỗi cung ứng một cách bền vững.

Theo ông Vương Đức Anh, Tập đoàn Dệt may Việt Nam xác định chiến lược phát triển đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 sẽ trở thành một điểm cung ứng trọn gói cho khách hàng trong các chuỗi cung ứng toàn cầu. Khi đó, giá trị gia tăng trong sản phẩm của Tập đoàn có thể lên tới 80% và việc đáp ứng quy tắc xuất xứ để được hưởng ưu đãi theo các FTA, đặc biệt là CPTPP sẽ không còn là trở ngại nữa./.

PHÚC KHANG

Bài Viết Liên Quan